“MỤC TỬ PHẢI CÓ MÙI CHIÊN” (CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH)

Báo Công Giáo - Mục tử có mùi của chiên chính là mục tử có tình yêu với đàn chiên theo gương Mục Tử Tối Cao…: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên.”
“MỤC TỬ PHẢI CÓ MÙI CHIÊN” (CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH)


Mục tử có mùi của chiên chính là mục tử có tình yêu với đàn chiên theo gương Mục Tử Tối Cao…: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên.”

Tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30, ngày Thứ Năm Tuần Thánh (28.3.2013), ngài nói với các Linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình.” Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng: mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt mục tử. Linh mục, người chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải như vậy.

 
Mục tử phải có mùi của chiên vì tính cách đồng hành của Linh mục sống dấn thân trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ. Để có mùi chiên, mục tử phải chung sống với đàn chiên; đây là sự đồng hành chia sẻ; sự đồng hành này được Phúc Âm diễn tả: “Mục tử gọi tên từng con chiên và chiên nghe tiếng của mục tử, mục tử đi trước chiên và chiên đi theo mục tử.”Để có mùi chiên, mục tử phải hiện diện giữa đàn chiên để chăm sóc và bảo vệ chiên để chiên “được sống và sống dồi dào”; đây là sự đồng hành và phục vụ; phục vụ cho sự phát triển “vì tôi còn có những chiên khác không thuộc về ràn này, tôi cũng phải đưa chúng về”, và phục vụ cho sự hiệp nhất của cả đoàn để “chỉ còn một đoàn chiên và một mục tử.” Để có mùi chiên, mục tử đồng hành và phục vụ đến mức độ sống chết vì đàn chiên; đây là đồng hành và tự hiến “Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên.” Mục tử vì đàn chiên chứ không phải đàn chiên vì mục tử [1].
 
Mục tử có mùi của chiên chính là mục tử có tình yêu với đàn chiên theo gương Mục Tử Tối Cao. Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên.” Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu so sánh mục tử và người làm thuê. Mục tử tốt lành luôn hết mình vì đàn chiên. Người làm thuê chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử hy sinh cho đàn chiên. Người làm thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Người làm thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
 
Mục tử tốt lành mang mùi của chiên có những đặc tính như sau [2].
 
1. Mục tử tốt lành là người nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao.
 
Lương thực thứ nhất là Lời Chúa. Chúa Giêsu phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời Chúa là hạt giống mang sự sống thiêng liêng (Lc 8,11).
 
Lương thực thứ hai là Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh trường sinh… là bánh bởi trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,48-51).
 
Lương thực thứ ba là thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu phán: “Lương thực của ta là thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34).
Mục tử không tự mình làm ra những lương thực thiêng liêng này, và không được phân phát ra một cách máy móc, nhưng phải cộng tác chặt chẽ với Chúa Giêsu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, là mục tử tốt lành đứng đầu các mục tử.
 
2. Mục tử tốt lành là người kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
 
Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu do đã gặp gỡ Ngài và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11).
 
Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.
 
3. Mục tử tốt lành là người luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần
 
Để biết phân định sự thực và sự không thực về thánh ý Chúa Cha, người mục tử tốt lành rất cần ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu phán: “Khi nào Thần Khí chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật vẹn toàn”(Ga 16,13).Thần Khí chân lý là Chúa Thánh Linh. Khi Ngài đến, Ngài sẽ giúp cho mục tử làm mục vụ một cách rất mới, có hồn, đầy uy tín. Bởi vì Thánh Thần sẽ cho mục tử nếm được phần nào mùi vị ngọt ngào của sự sống Thiên Chúa trong Lời Chúa. Ngài sẽ cho mục tử nhìn thấy phần nào dung mạo đẹp đẽ của Thiên Chúa trong Phép Thánh Thể. Ngài sẽ cho mục tử cảm được phần nào lửa nồng nàn của tình xót thương Chúa ẩn tàng trong thánh ý Chúa. Những lúc đó, người mục tử sẽ phục vụ đoàn chiên với tất cả tâm hồn hòa tan trong quyền lực Thánh Linh, như thánh Phaolô xưa: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run tẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn. Nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Linh và quyền năng Thiên Chúa.” (1Cor 2,3-5). Thời nay người mục tử rất cần ơn Thánh Thần. Như ơn sáng suốt khôn ngoan trong phân định việc nên làm với cách nên làm, và việc không nên làm với cách không nên làm, ơn tiên liệu, ơn đối thoại, ơn đào tạo, ơn biết an ủi nâng đỡ đoàn chiên.
 
4. Mục tử tốt lành luôn cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
 
“Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn. Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.Ý thức về thân phận tội lỗi của mình, các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựngtình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa. Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa” [3].
 
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
 
Ơn gọi Linh mục chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Linh đạo Linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày. Xin cầu nguyện cho các Linh mục luôn có mùi chiên với những đức tính tốt mà Thánh Kinh mô tả:
 
- Yêu thương chiên với cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11).
 
- Yêu quý từng con chiên: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).
 
- Lo cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).
 
- Lo cho chiên được sống hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).
 
- Có tinh thần trách nhiệm cao đối với đàn chiên: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34, 16).
 
Linh mục Giuse Nguyễn Công Hoàng, Quản xứ Giáo xứ Mẹ Thiên Chúa, sống gắn bó với đoàn chiên. Siêng năng thăm viếng giáo dân, hay ghé thăm những gia đình lương dân, thường thăm cha mẹ của các tân tòng. Giúp đỡ người nghèo, hay đến thăm các bệnh nhân và người già cả. Gần gũi chơi thể thao hàng ngày với giới trẻ, ca hát sinh hoạt với thiếu nhi, vui tươi và hiền hòa với mọi người, một linh mục trẻ dễ mến dễ thương…

Từ ngày ngài về nhận xứ, số giáo dân là 1.100. Sau 5 năm số giáo dân tăng lên là 1.544. Tăng 441 giáo dân, một con số thật lý tưởng cho một vùng truyền giáo và tái truyền giáo giữa địa bàn dân cư lương dân và anh chị em Tin lành tại Căn cứ 6 [4]. Linh mục trẻ mới 5 năm chịu chức, mang mùi của chiên, trở thành gương sáng trong sứ vụ mục tử.

 
Cha sở Gioan Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.
 
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :