Ngày thừ hai chuyến ĐTC Phanxicô viếng thăm Paraguay

Tính tới trưa thứ bẩy vừa qua chuyến viếng thăm Paraguay của ĐTC Phanxicô đã tiến hành được một nửa.

 Ảnh AP, AFP

Sau thánh lễ tại trung tâm thánh mẫu Caacupé ĐTC đã về Toà Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh họat khác vào ban chiều: gặp gỡ đại diện các thành phần xã hội dân sự tại toà nhà thể thao León Condou lúc 4 giờ rưỡi chiều, và chủ sự buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các thành viên phong trào công giáo trong nhà thờ chính tòa lúc sau 6 giờ chiều.

Chúa Nhật 12-7 ĐTC đã có ba sinh hoạt chính. Trước hết lúc sau 8 giờ sáng ngài viếng thăm dân nghèo vùng Banhado Norte. Tiếp đến là chủ sự thánh lễ tại đền thánh Nhu Guazú, nơi Thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong hiển thánh cho chân phước Roque  Gonzalez de Santa Cruz và các bạn, rồi gặp gỡ HĐGM Paraguay, và vào lúc 5 giờ chiều gặp gỡ giới trẻ trên bờ sông Costanera, trước khi ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

Sau đây kính mời quý vị theo dõi hai sinh hoạt còn lại của ĐTC chiều thứ bẩy và biến cố viếng thăm dân nghèo sáng Chúa Nhật.

Lúc sau 4 giờ chiều thứ bẩy ĐTC đã đi xe từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tới tòa nhà thể thao León Condou của trường Thánh Giuse, cách đó 2 cây số rưỡi.  Tòa nhà này có thể chứa 5.000 người và nằm trong khu vực trường Thánh Giuse do các linh mục dòng Thánh Tâm Bétharram điều khiển.

ĐTC đã được cha Bề trên dòng và ban giám đốc trường tiếp đón. Đại diện các thành phần xã hội dân sự tham dự cuộc gặp gỡ gồm các nhà giáo, các nghệ sĩ, doanh thương kỹ nghệ, nghiệp đoàn, lực sĩ thể thao thể dục, giới truyền thông, các hiệp hội phụ nữ, giới nông dân và thổ dân.

Sau lời chào mừng của ĐC Alberto Martinez Flores thư ký HĐGM Paraguay, đã có phần chia sẻ chứng từ của 5 đại diện các giới.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC bầy tỏ niềm vui có thể gặp gỡ các đại diện của xã hội dân sự Paraguay để chia sẻ với họ các giấc mơ và các lý tưởng của một tương lại tươi sáng hơn. Nhìn thấy anh chị em tất cả là những người thuộc một lãnh vực, một tổ chức của xã hội Paraguay yêu qúy, với các niềm vui, lo âu, chiến đấu và tìm tòi, khiến cho tôi nâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Một dân tộc mà không duy trì sống động các lo lắng của mình là một dân tộc đã chết. Trái lại, tôi trông thấy nơi anh chị em nhựa sống của một cuộc sống luân lưu và muốn nảy mầm. Thiên Chúa chúc phúc cho điều này. ĐTC giải thích thêm như sau:

Thiên Chúa luôn luôn thuận lợi với những gì trợ giúp nâng cao và cải tiến cuộc sống của con cái Ngài. Có những chuyện không tốt, phải. Có những hoàn cảnh bất công, phải. Nhưng nhìn thấy anh chị em và nghe anh chị em giúp tôi canh tân lòng hy vọng nơi Chúa, là Đấng tiếp tục hành động giữa dân Ngài. Đến từ nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều hoàn cảnh và lộ trình khác nhau, anh chị em tất cả cùng nhau làm thành nền văn hóa Paraguay. Anh chị em tất cả đều cần thiết cho việc kiếm tìm công ích. “Trong các điều kiện hiện nay của xã hội trên thế giới này, nơi người ta gặp biết bao nhiêu gian ác và luôn luôn có nhiều người bị gạt bỏ”, đuợc gặp anh chị em nơi đây là một món quà.

Tiếp đến ĐTC đã trả lời ba câu hỏi của cử tọa. Một bạn trẻ hỏi phải làm sao để xã hội là một nơi của tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. ĐTC nói: tuổi trẻ là thời gian ôm ấp các lý tưởng. Thật là quan trọng, khi các bạn trẻ hiểu rằng hạnh phúc đích thật đi qua cuộc tranh đấu cho một thế giới huynh đệ hơn. Thật là tốt đẹp, khi người trẻ nhận thức rằng hạnh phúc và khoái lạc không giống nhau. Nhưng hạnh phúc đòi hỏi sự dấn thân và tận tụy. Paraguay có đầy tràn người trẻ và đó là một sự phong phú lớn. Vì thế tôi nghĩ điều đầu tiên phải làm đó là tránh để cho sức mạnh này, ánh sáng này tắt lịm trong con tim các bạn, và chống lại tâm thức ngày càng gia tăng coi việc khát vọng những điều đáng công là vô ích và không thể hiểu nổi. Tranh tài cho  một cái gì đó, tranh tài cho một ai đó. Các bạn đừng sợ hãi cho đi tất cả trên sân đấu. Đừng sợ cho đi tất cả những gì tốt nhất của mình. Điều đó phải, nhưng đừng làm một mình. Hãy tìm thảo luận, lợi dụng để lắng nghe cuộc sống, các lịch sử, các câu chuyện của những người già, của giới ông bà của các bạn. Hãy mất nhiều thời giờ để lắng nghe tất cả những điều tốt đẹp mà các ngài có thể dậy dỗ các bạn. Các ngài là những người giữ gìn gia tài tinh thần đức tin và các giá trị nhào nặn một dân tộc và soi sáng đường đi của các bạn.

ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy tìm an ủi trong sức mạnh của lời cầu nguyện, nơi Chúa Giêsu, trong sự hiện diện liên lỉ thường ngày của Người. Qua ký ức của dân tộc anh chị em, Chúa Giêsu là bí quyết giúp con tim của anh chị em luôn tươi vui trong việc kiếm tìm tình huynh đệ, công bằng, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. Tôi rất thích bài thơ của thi sĩ Carlos Miguel Giménez mà ĐC Alberto Martinez đã trích dẫn. Tôi nghĩ nó diễn tả diều tôi muốn nói với anh chị em: “Tôi mơ một thiên dàng không có chiến tranh giữa các anh em, giầu những người khoẻ mạnh trong linh hồn và con tim và một Thiên Chúa chúc lành cho cuộc thăng thiên mới của nó”. Phải, Thiên Chúa bảo đảm cho phẩm giá của con người.

Trả lời câu hỏi thứ hai liên quan tới sự đối thoại như phương thế xây dựng một dự án quốc gia bao gồm tất cả mọi người. ĐTC nói Đúng thật là đối thoại không dễ. Có nhiều khó khăn phải vượt thắng, và đôi khi xem ra chúng ta lại dấn thân khiến cho chúng trở thành khó khăn hơn. Đối thoại giả thiết, đòi buộc từ chúng ta nền văn hóa gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ biết thừa nhận rằng sự khác biệt không chỉ là điều tốt, mà con cần thiết nữa. Vì thế điểm khởi hành không thể là người khác đang sai lầm. Công ích được tìm kiếm từ các khác biệt của chúng ta, bằng cách luôn luôn trao ban khả thể cho các lựa chọn mới. Nó có nghĩa là tìm ra cái gì mới, cùng nhau thảo luận , suy nghĩ một giải pháp tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Nhiều khi nền văn hóa gặp gỡ bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột. Đây là điều có thể thấy trước. Nhưng chúng ta không được sợ hãi nó, hay không biết đến nó, trái lại chúng ta được mời gọi chấp nhận nó. Điều này có nghĩa là “chấp nhận chịu đựng cuộc xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một móc xích nối với một tiến trình mới” (Niềm Vui Phúc Âm, 227). Bởi vì sự hiệp nhất cao hơn xung khắc” (ibid., 228). Một sự hiệp nhất không bẻ gẫy các khác biệt, nhưng sống nó trong sự hiệp thông và  qua tình liên đới và sự cảm thông. Khi tìm hiểu biết các lý do của người khác, kinh nghiệm của họ, các ước mong của họ, chúng ta có thể thấy rằng đa số chúng là các ước vọng chung. Nền tảng của sự gặp gỡ đó là chúng ta tất cả là anh em, con của cùng một Cha trên trời, mỗi người với nền văn hóa tiếng nói, các truyền thống riêng và có nhiều điều để cống hiến cho cộng đoàn. Các nền văn hóa thật không đóng kín trong chính mình, nhưng được mời gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và tạo ra các thực tại mới. Nếu không có giả thiết nòng cốt và nền tảng huynh đệ này, sẽ rất khó đạt tới cuộc đối thoại. Ai cho rằng có những người, những nền văn hóa những hoàn cảnh thuộc hạng hai hạng ba hay hạng bốn, thì có điều gì đó không ổn, vì thiếu cái tối thiểu là việc thừa nhận phẩm giá của người khác.

Câu hỏi thứ ba liên quan tới việc tiếp nhận tiếng kêu của dân nghèo để xây dựng một xã hội bao gồm mọi người. ĐTC nói có một khía cạnh nền tảng giúp thăng tiến người nghèo: đó là cách chúng ta nhìn họ. Không cần một cái nhìn ý thức hệ rốt cuộc sử dụng người nghèo cho các lợi lộc chính trị hay cá nhân khác.

Để tìm thiện ích cho người nghèo điều đầu tiên là biết lo lắng cho con người của họ, đánh giá họ vì lòng tốt của họ. Nhưng việc đánh giá đích thực đòi hỏi phải sẵn sàng học hỏi nơi họ. Người nghèo có rất nhiều để dậy chúng ta trong lãnh vực nhân bản, lòng tốt, hy sinh. Và ngoài ra kitô hữu chúng ta lại còn có một lý do nữa để yêu thương và phục vụ người nghèo: vì nơi họ chúng ta trông thấy gương mặt và thịt xác của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo nàn để khiến cho chúng ta giầu có nhờ sự nghèo nàn của Ngài (x. “ Cr 8,9).

ĐTC khẳng định rằng sự tăng trưởng kinh tế và việc tạo ra giầu có cho cả mọi người không loại trừ ai,  rất cần thiết cho một nước. Việc tạo ra sự thịnh vượng ấy phải luôn luôn phục vụ công ích, chứ không phải chỉ phục vụ một ít người thôi. “Việc tôn thờ con bò vàng xưa kia (Xh 32,1-35) đã tìm ra một ấn bản mới không thương xót trong việc tôn thờ thần tượng tiền bạc và sự độc tài của một nền kinh tế không có gương mặt” (Niềm vui Phúc Âm 55). Các người có ơn gọi trợ giúp phát triển kinh tế có nhiệm vụ bảo đảm để nền kinh tế luôn có gương mặt nhân bản. Họ nắm trong tay khả thể cung cấp công ăn việc làm cho rất nhiều người và trao ban hy vọng cho biết bao nhiêu gia đình. Việc làm là một quyền và nó trao ban phẩm giá cho con người. Đem bánh về nhà, cống hiến cho con cái một mái nhà, sức khoẻ, giáo dục là các khiá cạnh nền tảng của phẩm giá con người, và các doanh thương, các nhà chính trị, các nhà kinh tế phải để cho mình được gọi hỏi bởi những điều đó. ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi như sau:

Tôi xin anh chị em đừng nhượng bộ  một mô thức kinh tế tôn thờ thần giả cần hy sinh các mạng người trên bàn thờ của tiền bạc và lợi nhuận. Trong các lãnh vực kinh tế, trong hãng xưởng, chính trị, điều đầu tiên là conn người và môi trường trong đó nó sinh sống.

ĐTC ghi nhận rằng Paraguay nổi tiếng là vùng đất nơi đã bắt đầu các “Giảm thiểu” là một trong các kinh nghiệm hay nhất của việc rao truyền Tin Mừng và tổ chức xã hội trong lịch sử. Trong đó Tin Mừng đã là linh hồn và cuộc sống cộng đoàn không có đói khát, thất nghiệp, mù chữ, áp bức. Kinh nghiệm lịch sử này dậy cho chúng ta biết rằng một xã hội nhân bản hơn là điều có thể thực hiện được, cả ngày nay nữa. Khi có tình yêu đối với con người và ý chí phục vụ, thì có thể tạo ra các điều kiện để tất cả mọi người có các của cải cần thiết, và không có ai bị loại trừ.

Cuối cùng ĐTC khích lệ mọi người yêu thương quê hương, các công dân và nhất là yêu thương người nghèo. Như thế anh chị em sẽ là một chứng tá trước mặt thế giới và cho thấy một mẫu phát triển khác là điều có thể làm được. Tôi xác tín rằng anh chị em có sức mạnh lơn lao nhất có thể có đó là nhân bản tính , đức tin và tình yêu thương của anh chị em.

Diễn văn của ĐTC đã nhiều lần bị ngắt quãng bởi các tràng pháo tay của cử tọa.

Sau khi ban phép lành tòa thánh ĐTC đã từ giã giới đại diện xã hội dân sự để tới nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 2 cây số rưỡi chủ sụ buổi hát Kinh Chiều với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào công giáo. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ hồn xác lên trời dã được tái thiết hồi đầu thế kỷ XIX và còn cất giữ cây thánh giá “La Cruz de la Parra”, là cây thánh giá duy nhất trong số 29 cây Thánh Giá mà ông Cristoforo Colombo đã trồng trên đất châu Mỹ Latinh trong 4 chuyến thám hiểm đại lục này. Nhà thờ có chỗ cho 1000 người.

Ông thị trường đã đón tiếp ĐTC trên thềm nhà thờ và trao chià khóa của thành phố cho ngài. Một dàn nhạc gồm 200 nhạc công đã trình tấu các bản nhạc truyền thống chào đón ĐTC.

Kinh chiều đã được hát bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng của các thổ dân Paraguay.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói thật là đẹp biết bao cùng nhau cầu nguyện. Làm sao không mơ ước một Giáo Hội phản ánh và lập lại sự hài hòa của các tiếng nói và lời ca trong cuộc sống thường ngày! Và chúng ta làm điều này trong nhà thờ chính toà đã bao lần phải bắt đầu xây lại này. Nó là dấu chỉ của Giáo Hội và từng người trong chúng ta: đôi khi các bão tố từ bên ngoài và từ bên trong bắt buộc chúng ta đập phá những gì chúng ta đã xây dựng và bắt đầu lại, nhưng luôn luôn với câu trả lời hy vọng của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện làm nổi bật lên điều mà chúng ta đang sống hay đáng lý ra phải sống trong cuộc sống thường ngày. Ít nhất là lời cầu nguyện không muốn trở thành tha hóa hay chỉ là đồ trang sức… Lời cầu nguyện thúc đẩy chúng ta thực thi và kiểm thực điều chúng ta đọc  trong các thánh vịnh “Chúng ta ở trong tay Chúa là Đấng nâng chúng ta dậy từ rác rưởi” (Tv 112,7) và chúng ta phải làm việc để nỗi buồn sầu vì sự khô cằn của chúng ta biến thành cánh đồng phì nhiêu. Chúng ta hát “Cuộc sống của các tín hữu Ngài quý giá trước mặt Ngài lậy Chúa” (Tv 116,15) chúng ta là những người chiến đấu, dấn thân, chúng ta bảo vệ giá trị của mọi sự sống con người, từ lúc sinh ra cho tới khi tuổi già sức yếu. Lời cầu nguyện phản ánh tình yêu thương chúng ta cảm nhận đối với Thiên Chúa và tha nhân, đối với thế giới thụ tạo… Tình yêu thương đó diễn tả gương mặt của người môn đệ của Chúa Giêsu. Bám chặt vào Chúa khiến cho ơn gọi kitô được sâu sắc, lôi cuốn chúng ta vào kiểu hành xử của Chúa Giêsu và tìm trở nên giống Ngài trong mọi sự Ngài làm. Vẻ đẹp của Giáo Hội phát xuất từ nỗ lực trở nên đồng hình dạng ấy với Chúa Kitô.

ĐTC đã khích lệ hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân và chung sinh lớn lên trong ý thức hiệp nhất cộng tác tông đồ. Ngài nói:

Thật là đẹp trông thấy anh chị em cộng tác với nhau trong việc mục vụ, luôn luôn khởi hành từ bản chất và nhiệm vụ của mỗi ơn gọi và đặc sủng. Tôi ước mong khuyến khích anh chị em tất cả, các linh mục, tu sĩ nam nữ. giáo dân và chủng sinh dấn thân trong sự cộng tác giáo hội này, đặc biệt trong các chương trình mục vụ của các giáo phận và việc truyền giáo đại lục, cộng tác với tất cả sự sẵn sàng vào công ích. Nếu sự chia rẽ giữa chúng ta tạo ra sự khô cằn, thì chắc chắn từ sự hiệp thông và hòa hợp này sẽ nảy sinh ra sự phong phú vì chúng đồng thanh với Chúa Thánh Thần.

ĐTC nói thêm: tất cả chúng ta đều có các hạn hẹp và không ai có thể diễn tả lại Chúa Giêsu trong sự toàn vẹn của Người, tuy mỗi ơn gọi đồng hình trong nòng cốt với vài ánh sáng cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu, vẫn có vài nét chung và không thể khước từ đuợc. Chúng ta vừa chúc tụng Chúa, vì Người “không coi việc giống như Thiên Chúa là một đặc ân” (Fl 2.6) và đây là đặc tính của mọi ơn gọi kitô: ai được Thiên Chúa gọi đừng khoe khoang, đừng tìm kiếm các thừa nhận cũng như các vỗ tay tán đồng mau qua, không cảm thấy mình đã lên cấp và đối xử với người khác như thể họ là bục để chân.
Lời Chúa trong thư gửi giáo đoàn Do thái mời gọi trở nên hoàn thiện như vị Mục Tử vĩ đại của đoàn chiên. Điều này bao gồm việc nhận ra rằng mỗi người sống đời thánh hiến phải đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng “khi còn sống kiếp phàm nhân đã lớn tiếng kêu van khóc lóc” và đạt sự hoàn thiện, khi học biết qua khổ đau thế nào là vâng phục. Điều này là phần ơn gọi của chúng ta.

Tháp chuông của nhà thờ này đã được xây lại nhiều lần, tiếng chuông vang lên trước và đồng hành với lời cầu nguyện phụng vụ của chúng ta trong nhiều dịp: được đổi mới bởi Thiên Chúa mỗi khi chúng ta cầu nguyện, được củng cố như tháp chuông, tươi vui gióng lên chúc tụng các kỳ công của Thiên Chúa, chúng ta hãy chia sẻ kinh Magnificat và để cho Chúa thành toàn, qua cuộc sống thánh hiến, các điều lớn lao trong đất nước Paraguay này.

Sau khi ban phép lành và từ giã mọi người ĐTC đã đi xe về Tòa Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã đi xe tới thăm dân nghèo vùng Banhado Norte. Đây là vùng sình lầy nơi Giáo Hội và Nhà nước có các chương trình trợ giúp dân chúng. Giáo xứ tại đây có 13 nhà nguyện nhỏ rải rác toàn vùng, trong đó có nhà nguyện Thánh Gia là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. Nhà nguyện quay ra một sân thể thao nơi có vài ngàn người chờ đợi ĐTC. Trong số này có các học sinh các trường Caacupemí và Santa Cruz “Fe y Alegría” Thánh Giá Đức Tin và Niềm vui. Trường này thuộc dự án giáo dục do dòng Tên đảm trách tại 400 địa điểm giáo dục trong các vùng chịu nhiều thiệt thòi nhất nước Paraguay.

ĐTC đã được cha Ireneo Valdez dòng Tên cha sở họ đạo và cha Giám Tỉnh tiếp đón.

Sau phần hát chào mừng đã có hai người đại diện chia sẻ chứng từ.

Ngỏ lời với mọi người hiện diện ĐTC nói cuộc gặp gỡ tại giáo xứ Thánh Gia khiến ngài nghĩ tới Thánh Gia Nagiarét. Khi nhìn thấy họ và nghe các câu chuyện cuộc đời cũng như các chiến đấu gian khổ của họ để có một cuộc sống xững đáng với phẩm giá con người, ngài thấy nó giống như cuộc đời của Chúa Giêsu Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Tuy đầy bất trắc khó khăn, như các vụ lụt lội trong các tuần vừa qua, nhưng nó không lấy mất đi nụ cười và niềm hy vọng của họ. Thánh Gia cũng đã phải rời bỏ quê hương để di cư lánh nạn đến một vùng đất xa lạ không thân thích, với hai bàn tay trắng. Nhưng Mẹ Maria và Thánh Giuse đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu. Chính niềm tin nơi Chúa Giêsu khiến cho chúng ta gần gũi với cuộc sống của tha nhân và dấn thân sống tình liên đới. Một đức tin không có tình liên đới là một đức tin chết, một đức tin không có Chúa Kitô, không có Thiên Chúa và không có các người anh em khác. Niềm tin nơi Chúa KItô dấy lên khả năng mơ ước một tương lai mới tốt đẹp hơn, và chiến đấu để thực hiện nó. Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục là thừa sai khiến cho đức tin lây lan tới mọi người và ở khắp mọi nơi.

Sau khi từ giã dân nghèo vùng Benhado Norte ĐTC đã đi xe tới đền thánh Nhu Guazu để chủ sự thánh lễ cho tín hữu. Đây là nơi Thánh Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho chân phước Roque Gongalez de Santa Cruz và các bạn trong chuyến công du Paraguay hồi tháng 5 năm 1988. Cánh đồng Nhu Guazú nằm trong căn cứ không quân có thể chứa tới 1,5 triệu người. Chúng tôi sẽ tường thuật thánh lễ, cuộc gặp gỡ giới trẻ tại bờ sông Costanera và lễ nghi từ biệt Paraguay trong các buổi phát ngày mai.

PopeFrancis-11Jul2015-8.jpg

PopeFrancis-11Jul2015-7.jpg
PopeFrancis-12Jul2015-09.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-08.jpg PopeFrancis-12Jul2015-10.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-02.jpg PopeFrancis-12Jul2015-05.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-12.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-03.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-04.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-06.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-01.jpg

PopeFrancis-12Jul2015-11.jpg
 

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 12.07.2015)
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :