Ở Cuba, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thấy nhiều linh mục không phải người Cuba

Tại nhà thờ La Merced ở Havana, một trong những đền thánh quan trọng nhất ở Cuba, các giáo dân gọi vị linh mục với chòm râu lớn, giọng nói nhẹ nhàng của mình là Padre Gilberto. Nhưng tên thật của cha là Gilbert Walker. Cha đến từ Gulfport, Mississippi.

  
Cha Walker, 56 tuổi, đã làm linh mục quản xứ La Merced này được 12 năm nay. Lần đầu đặt chân đến đây hồi năm 2003, cha là linh mục Công giáo người Mỹ duy nhất ở Cuba. Bây giờ, có thêm hai người nữa, nhưng suốt nửa thế kỷ đóng băng quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ, không có một linh mục nào thực hiện sứ mạng truyền giáo ở đảo quốc này lâu như cha Walker.

Trả lời phỏng vấn tại nhà xứ, phía sau ngôi thánh đường 147 tuổi, cha Walker cho biết, ‘Ngay khi vừa đến, tôi đã cảm thấy đây như nhà mình. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ ở đâu khác.

Chắc chắn, ở Mỹ thì dễ dàng hơn và tiện nghi hơn. Nhưng tôi không làm linh mục để có một cuộc sống dễ dàng.’

Đến Cuba, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thấy một Giáo hội Công giáo bị hạn chế, đang nỗ lực phục hồi vị trí của mình trong đời sống của đảo quốc này. Một nửa trong con số khoảng 360 linh mục ở Cuba, là những người sinh ra ở nước ngoài, hầu hết là từ châu Mỹ La tinh và Tây Ban Nha.

Cuba có khoảng 700 linh mục vào thời Fidel Castro chiếm chính quyền năm 1959. Mối quan hệ giữa chính quyền của ông và giáo hội chống đối ông, đã ngày càng xấu đi, và vào năm 1961, vài tháng sau khi vụ đột kích Vịnh Con heo xảy ra, Castro đã trục xuất 131 linh mục lên một chiếc tàu của Tây Ban Nha. Vatican phản ứng bằng cách rút phép thông công thủ lãnh cộng sản Cuba trẻ tuổi này.

Trong thời gian qua, mối quan hệ chính quyền-giáo hội đã có cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Ngày nay, Havana có một chủng viện mới, nơi cha Walker làm việc với tư cách cố vấn, và cha cũng đang đào tạo 7 chủng sinh trong dòng Vincent de Paul của mình. Các thành viên trong dòng noi gương thánh Vincent de Paul, linh mục người Pháp thế kỷ XVII, tận tụy vì người nghèo.

Đức Phanxicô cũng sẽ có chung một tâm thức như thế, khi ngài sẽ ở Cuba trong vòng 4 ngày rồi sau đó là đến Hoa Kỳ. Trong một băng ghi hình, Đức Giáo hoàng dã nói với người dân Cuba rằng ngày đến với tư cách ‘một nhà truyền giáo của lòng thương xót.’ Và suốt hơn 10 năm qua, đó cũng là quan điểm làm việc của cha Walker ở Cuba.

‘Tôi phấn khích về ý nghĩa mà chuyến viếng thăm này đem lại. Ở đây rất cần sự tha thứ và hòa giải. Đây là một nhu cầu của con người, thật sự là vậy, và tôi nghĩ rằng thông điệp của ngài sẽ là về sự hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, ở một nơi vẫn còn xung đột, ác cảm, và mong muốn báo thù.’

Các nhà truyền giáo nước ngoài đang làm việc ở Cuba, thì cần có visa, nhưng Walker nói rằng cha chưa từng thấy bị thù địch hay nghi ngờ vì là một linh mục Hoa Kỳ ở Cuba cả. Cha đến đây lần đầu tiên vào năm 1991, không lâu sau khi chịu chức, và sau đó trở lại vài lần nữa.

‘Tôi thấy ở đây cần các linh mục, đặc biệt là về phần dòng Vincent de Paul.’

Cha Yosvany Carvajal, giám đốc Trung tâm Văn hóa Padre Varela, ở Havana cho biết, ‘Cha Walker sống trong một vùng nghèo, và dành thời gian với người nghèo, và người trẻ. Cha là một người được yêu mến, và cha làm việc không mệt mỏi.

Chúng tôi thật mong sẽ có thêm những nhà truyền giáo người Mỹ giống như cha.’

Nhà thờ La Merced nơi cha Walker sống, là một trong các tuyệt tác ở Havana, với các bức tranh tường công phu và mái vòm cao vút. Được xây dựng bởi thợ thuyền từ vùng Catalan, nhà thờ mang phong cách hơi u ám của kiến trúc nhà thờ chính tòa Ý và Tây Ban Nha.

‘Thành thật thì, tôi thích ánh sáng tự nhiên hơn, và sự đơn giản nữa.’ cha Walker cho biết.

Nhà thờ La Merced cũng là một trong những đền thánh quan trọng nhất cho những người theo đạo Santeria, người Cuba gốc Phi. Nhà thờ La Merced được gắn với Obatalá, cha của mọi linh thần Orisha.
Cha Walker cho biết, ‘Chúng tôi thường thấy các vật tế được đặt trong nhà thờ, như dừa, bánh merengue, và bánh cốm. Có khi đó là một con bồ câu đã bị sát tế đặt trước cửa, một chuyện không dễ chịu chút nào, có khi là một con gà.

Thà người ta ăn con gà thì hơn.’

Cha Walker nói rằng thách thức mục vụ của cha là đưa các giáo dân đến với các huấn giáo Công giáo, nhưng không đẩy họ ra xa bằng việc lên án các truyền thống Santeria của họ.

‘Đạo Santeria dùng các biểu tượng Kitô giáo, nhưng nó không có nội dung Kitô. Thách thức của chúng tôi là chào đón tất cả mọi người và tôn trọng niềm tin của họ, nhưng cũng làm rõ rằng chúng tôi mang niềm tin của người Công giáo.’

Cha Walker từng truyền giáo ở Cộng hòa Dominic trước khi chuyển đến Cuba. ‘Tôi rất hạnh phúc ở đó, nhưng tôi cảm nhận được sức hút mạnh mẽ từ Cuba.’

Và đây còn hơn là tiếng gọi thiêng liêng. Ông cố của cha Walker đã sống 35 năm trong một thị trấn thôn quê bên bờ biển phía bắc Cuba, bây giờ thuộc tỉnh Las Tunas, nơi ông có một cánh đồng mía.

‘Tôi khám phá ra ông cố của tôi có quan hệ với một phụ nữ Cuba, và họ có một con gái.’

Cha Walker đã tìm được chỗ ở của bà cô của mình và gia đình của bà. Cha nói cha đang ngày càng thân thiết với những người bà con của mình ở Cuba, họ sống ở trung tâm Havana, nơi cha đến dâng thánh lễ vài lần mỗi tuần.

Cha thổ lộ, ‘Chính Chúa thúc giục tôi đến Cuba để tôi có thể tìm được gia đình của mình.’

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 20.09.2015/



The Wasington Post | Nick Miroff | 19-9-15)
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :