ĐTC tuyên phong chân phước Junípero Serra lên bậc hiển thánh

WASHINGTON, DC. Lúc 16h30 chiều 23.09.2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền Thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Washington để tôn phong chân phước Junípero Serra lên bậc hiển thánh. Trong bài giảng, Ngài nhắn nhủ mọi người hãy noi gương tân hiển thánh để ra đi và luôn luôn tiến về phía trước nhằm phục vụ tha nhân.


Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có rất nhiều Hồng y, Giám mục và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của rất đông các tín hữu.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Donald W. Wuerl, Tổng Giám mục của Washington, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử của vị chân phước.

Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Donald W. Wuerl, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh cho vị chân phước.

 ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của vị tân hiển thánh được rước lên đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Giảng trong thánh lễ, ĐTC nói:

 “Anh em hãy vui luôn trong Chúa, tôi nhắc lại: Anh em hãy vui luôn” (Pl 4, 4). Một lời mời gọi đánh động mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta. Thánh Phaolô nói với chúng ta anh em hãy vui lên, với một sự cưỡng ép gần như mang tính mệnh lệnh. Một lời mời thực hiện trong ước muốn rằng tất cả chúng ta sẽ có được một cuộc sống tròn đầy, một cuộc sống có ý nghĩa, và đầy niềm vui.”

ĐTC nói tiếp: “Nhưng đến phiên mình, chúng ta sống sự căng thẳng trong đời sống hằng ngày. Có nhiều trạng huống làm cho lời mời này có thể bị nghi ngờ. Sự năng động vì đó mà nhiều lần chúng ta lệ thuộc vào, dường như mang lại cho chúng ta một sự cam chịu buồn chán vốn dần dần thay đổi và trở thành thói quen, cùng với một hậu quả chết người: gây mê cõi lòng chúng ta. Chúng ta muốn hay không muốn sự cam chịu ấy sẽ là động lực cho cuộc sống chúng ta như thế?

Để vượt thoát trình trạng này, ĐTC nói:

“Đức Giêsu đã nói với các môn đệ và rồi Ngài cũng nói điều đó với chúng ta ngày nay: Hãy lên đường! Hãy rao giảng! Niềm vui của Tin Mừng chỉ có thể được cảm nghiệm, được làm quen và sống chỉ bằng cách trao ban nó, tự trao ban chính mình.

Não trạng thế gian mời gọi chúng ta theo chủ nghĩa xu thời và sự tiện nghi. Đối diện với tinh thần thế gian này “cần cảm nhận một cách mới mẻ rằng chúng ta cần tha nhân, rằng chúng ta có một trách nhiệm đối với người khác và thế giới” (Laudato Sì, 229). Đó là trách nhiệm của việc truyền rao thông điệp của Đức Giêsu. Bởi vì suối nguồn của niềm vui của chúng ta cư ngụ tại “ước mong vô tận của việc trao ban lòng thương xót, hoa trái của việc đã cảm nghiệm lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa Cha và uy lực trào tràn của Người” (Evangelii Gaudium, 24)”

Nhắc đến mệnh lệnh của Đức Giêsu, ĐTC nói:

“Đức Giêsu sai chúng ta đến mọi quốc gia. Với mọi dân tộc. Và trong số “tất cả” này hai ngàn năm trước đã bao gồm chúng ta. Đức Giêsu không đưa ra một danh sách tuyển lựa ai được hay ai không, ai xứng đáng hay không xứng đáng lãnh nhận sứ điệp và hy vọng của Ngài. Ngược lại, Ngài đã luôn ôm ấp cuộc sống như nó tự xảy đến với mình. Cùng với khuôn mặt đau khổ, đói ăn, bệnh hoạn, và tội lỗi. Cùng với khuôn mặt bị tổn thương, bị khát, và mỏi mệt. Cùng với khuôn mặt nghi ngờ và xót thương. Tránh xa việc chờ đợi một cuộc sống được tô điểm, trang trí, và gian lận, Ngài đã ôm ấp lấy cuộc sống ấy như nó xảy đến với Ngài. Với tất cả mọi người Đức Giêsu đã nói: Hãy ra đi và loan báo Tin Mừng.”

Nhấn mạnh về sứ mệnh Đức Giêsu đã trao phó, ĐTC nói:

“Sứ mạng không bao giờ sản sinh từ một dự án hoàn toàn khó thực hiện hay từ một sổ tay hướng dẫn được cấu trúc và lập trình chặt chẽ; sứ mạng luôn xuất phát từ một cuộc sống vốn cảm nhận được tìm thấy và chữa lành, được tìm thấy và tha thứ. Sứ mệnh sản sinh từ việc cảm nghiệm một hay nhiều lần sự chỉ định đầy lòng thương xót của Thiên Chúa.

Giáo Hội, Dân thánh của Thiên Chúa, biết lữ hành trên những nẻo đường đầy bụi bặm của lịch sử ngang qua nhiều lần của xung đột, bất công, bạo lực, để ra đi tìm kiếm con cái và anh chị em của mình. Dân thánh của Thiên Chúa không sợ sai lầm; không sợ sự đóng kín, sự tinh thể hóa trong những thành phần ưu tú, hay sự dính bén vào sự yên ổn.

Vì thế, chúng ta hãy đi ra, hãy lên đường để hiến dâng cho mọi người sự sống của Đức Giêsu Kitô (Evangelii gaudium, 49). Dân Thiên Chúa biết dấn thân bởi vì là môn đệ của Đấng đã quỳ gối trước con dân của mình để rửa chân cho họ (Evangelii gaudium, 49)”.

Liên hệ đến vị tân hiển thánh, ĐTC nói:

“Và hôm nay chúng ta cũng kính nhớ một trong số các chứng nhân đã biết làm chứng cho thế gian này niềm vui của Tin Mừng: Cha Thánh Junipero Serra. Ngài đã biết sống tất cả những gì của một “Giáo Hội xuất cư”, Giáo Hội này biết ra khỏi và lên đường, để chia sẻ sự dịu dàng hòa giải của Thiên Chúa. Ngài đã biết rời khỏi vùng đất của mình, những phong tục, và có đủ can đảm để mở ra những nẻo đường, biết đi đến gặp gỡ với nhiều người để học hỏi và tôn trọng những phong tục và đặc thù riêng của họ

Ngài đã học để khơi gợi và dõi theo sự sống của Thiên Chúa nơi những khuôn mặt của những ai gặp gỡ và làm cho họ trở nên anh em của mình. Thánh Junipero đã nỗ lực để bảo vệ phẩm giá của cộng đoàn bản xứ, bảo vệ họ khỏi những kẻ muốn lạm dụng họ. Những sự lạm dụng ngày nay vẫn tiếp tục gây ra cho chúng ta sự buồn rầu, đặc biệt là sự đau khổ mà nó gây ra cho cuộc sống của biết bao người.

Thánh nhân đã chọn lựa một khẩu hiểu vốn gợi hứng cho đời sống và việc làm của thánh nhân: “Luôn luôn hướng về phía trước”. Đây là cách thức mà thánh Junipero đã nỗ lực để sống niềm vui của Tin Mừng, bởi vì cõi lòng của ngài đã không ngủ mê. Noi gương thánh nhân, chúng ta hãy nói hôm nay: luôn hướng về phía trước.”

Thánh lễ tiếp tục với phần lời nguyện tín hữu gồm nhiều ngôn ngữ Đại Hàn, ngôn ngữ bằng dấu của Mỹ, tiếng Tagalog, Igbo, Criollo và đặc biệt là có cả lời nguyện bằng tiếng Việt Nam. Thánh lễ sau đó tiến hành như thường lệ.

PopeFrancis-USA-28.jpg


(Lược dịch từ bản Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai, dongten.net 24.09.2015)
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :