Tìm hiểu Hy tế và bổng lễ

Thời gian gần đây trên mạng xã hội truyền nhau bức hình chụp lại thông báo: “Quy định việc xin lễ” kèm theo những lời bình luận thiếu hiểu biết gây thắc mắc và ngộ nhận cho một số tín hữu. Chúng tôi xin đăng bài viết mới nhất của Linh mục An Thanh, CSsR để quý vị bạn đọc và các tín hữu hiểu thêm về vấn đề này theo quan điểm của Giáo hội đã được Giáo luật ấn định.



Hội Thánh Công giáo tuyên xưng hy tế Thập giá trọn vẹn và vĩnh cửu. Nơi đó, Chúa Yêsu là tư tế, Thập giá là bàn thờ, Mình và Máu Chúa là lễ vật (x. Hr 9, 11 – 14). Mỗi thánh lễ hiện nay đang diễn ra từng phút trên khắp thế giới là hiện tại hóa lại hy tế Thập giá mà thôi.

Trong mỗi thánh lễ, Hội thánh kêu gọi con cái mình và nhân danh Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, để cầu nguyện cho mọi người sống cũng như đã qua đời. Dù một người chết không có ai là thân nhân xin lễ, họ vẫn được Hội thánh cầu nguyện trong từng thánh lễ đang diễn ra trong từng phút trên khắp thế giới. Cũng vậy, những nhu cầu của người sống cũng được dâng lên Thiên Chúa trong Tư Tế duy nhất là Đức Yêsu qua các thừa tác viên yếu hèn của Hội thánh.

Việc rao những ý được xin trong mỗi thánh lễ thực chất là cách mời gọi cộng đoàn quan tâm đến những ý đó cách cụ thể trong thánh lễ sẽ dâng, chứ không hề chỉ có những ý đó, mà bỏ đi các ý khác do Hội thánh phổ quát mời gọi.

Mục đích của bổng lễ do tín hữu dâng trong mỗi thánh lễ theo xác định của điều 946 Bộ giáo luật là việc góp phần nâng đỡ đời sống các thừa tác viên và hoạt động của Giáo hội.

Giáo luật cũng xác nhận việc nhận bổng lễ trong cử hành phụng vụ là một tập tục chính thức của Giáo hội, trong đó các tư tế được nhận bổng lễ. Giáo luật cũng nhắc nhở các tư tế phải đón nhận những bổng lễ ít ỏi của người nghèo, thậm chí không có bổng lễ (x. điều 945, Giáo luật).

Đa số các nơi trên thế giới, bổng lễ thường được Hội đồng Giám mục quốc gia hoặc Giám mục địa phương xác định là một khoản tiền rất nhỏ tương đương 5 hay 12 Mỹ kim. Ở những nơi này, hàng tháng các tư tế có lương tháng riêng, không tính vào bổng lễ. Nhưng ở các vùng truyền giáo, số giáo dân chỉ trên dưới 10% dân số, ngân quỹ của các Giáo phận hạn hẹp, nên thường được giáo quyền quy định một bổng lễ tối thiểu sao cho đủ để một tư tế sống được một ngày, sau đi khi đã trừ đi các tiền bảo hiểm bắt buộc, và những dịch vụ tối thiểu cho mục vụ như xăng xe, cước điện thoại Internet, thuốc men …

Tại một vài giáo xứ đông giáo dân, thường việc ăn uống do giáo xứ thu xếp cho các tư tế, tiền bổng lễ mỗi ngày tư tế được giữ riêng, nhưng ở các vùng truyền giáo, vùng sâu vùng xa, tiền lễ vừa chi cho việc ăn uống của vị tư tế thì cũng chi luôn cho những người giúp việc truyền giáo. Mọi chi tiêu điện nước cho nhà nguyện, nhà thờ cũng trích ra từ tiền bổng lễ. Mọi chi phí cho hoạt động của giáo xứ cũng từ tiền bổng lễ đó. Các tư tế ở đây tiền bổng lễ chính là tiền duy trì hoạt động của Giáo hội tại nơi hẻo lánh đó.

Ngoài ra, việc quy định chi tiết về bổng lễ cũng nhằm hạn chế những lạm dụng tài chánh do thiếu luật, có thể đẩy đời sống của tư tế đến phung phí hoặc làm cho giáo dân thiếu ý thức xây dựng Hội thánh.


Tóm lại, hy tế cứu độ của Chúa Yêsu đã hoàn tất và đang thông ban không ngừng nghỉ cho nhân loại. Người tín hữu cộng tác vào hy tế đó bằng cách làm chứng cho ân sủng mình đã lãnh nhận được và dâng hiến tài chánh thế nào cho vừa đủ để Giáo hội hữu hình của Chúa còn ở trần gian có thể phát triển, nhờ đó có thêm nhiều người hơn trong nhân loại được cứu.

Lm. An Thanh, CSsR

(Tham khảo)
Bổng lễ theo Giáo luật

Ðiều 945: (1) Theo tập tục đã được Giáo Hội công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt.
(2) Hết sức khuyên nhủ các linh mục hãy dâng lễ theo ý chỉ của các tín hữu, nhất là những người nghèo, cả khi không có bổng lễ.

Ðiều 946: Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Giáo Hội; bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Giáo Hội.

Ðiều 947: Trong vấn đề bổng lễ, phải xa tránh hoàn toàn mọi hình thức buôn bán hay thương mại.

Ðiều 948: Phải áp dụng từng Thánh Lễ cho mỗi ý chỉ vì đó mà bổng lễ đã được dâng và nhận, cho dù bổng lễ đã nhận là bé nhỏ.

Ðiều 949: Ai có nghĩa vụ phải dâng lễ và áp dụng Thánh Lễ theo ý chỉ của người dâng bổng lễ vẫn còn trách nhiệm ấy cả khi bổng lễ bị mất không tại lỗi của mình.

Ðiều 950: Nếu người ta dâng một món tiền xin lễ mà không nói rõ số lễ phải làm, thì số ấy sẽ được chỉ định dựa theo giá bổng lễ hiện hành tại nơi người xin lễ cư trú, trừ khi có lý do phỏng đoán hợp lệ là họ có hảo ý khác.

Ðiều 951: (1) Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại.
(2) Tư tế đồng tế Thánh Lễ thứ hai trong một ngày, không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.

Ðiều 952: (1) Công đồng tỉnh hay Hội Ðồng Giám Mục giáo tỉnh phải ra nghị định ấn định bổng lễ phải dâng để áp dụng Thánh Lễ trong toàn giáo tỉnh. Tư tế không được đòi bổng lễ cao hơn mức ấn định. Tuy nhiên, tư tế được phép nhận bổng lễ cao hơn khi người ta tự nguyện dâng cúng, cũng như cũng được phép nhận bổng lễ thấp hơn.
(2) Nơi nào không có nghị định đã nói, thì phải theo tập tục hiện hành trong địa phận.
(3) Các phần tử thuộc bất cứ dòng tu nào cũng phải giữ nghị định hay thói quen của địa phương nói ở triệt 1 và 2.

Ðiều 953: Không ai được phép nhận cho mình nhiều bổng lễ đến độ không thể chu tất trong vòng một năm.

Ðiều 954: Nếu tại những nhà thờ hay nhà nguyện người ta xin cử hành lễ quá số có thể cử hành ở đó, thì có thể cử hành ở nơi khác, trừ khi những người xin lễ minh thị bày tỏ ý định ngược lại.

Ðiều 955: (1) Ai muốn chuyển ý lễ cho những người khác, thì phải chuyển sớm ngần nào có thể cho các tư tế muốn lãnh nhận, miễn là biết chắc họ hoàn toàn đáng tín nhiệm. Lại phải chuyển y nguyên bổng lễ đã nhận, trừ khi biết chắc rằng số tiền trội hơn giá bổng lễ trong giáo phận là do thiện cảm cá nhân. Người chuyển ý lễ còn phải mang nghĩa vụ lo dâng lễ cho đến khi nào chắc chắn có người nhận nghĩa vụ dâng lễ và bổng lễ.
(2) Thời gian phải dâng lễ bắt đầu từ ngày tư tế nhận được ý lễ, trừ khi đã rõ cách nào khác.
(3) Ai chuyển ý lễ cho người khác, phải lập tức ghi vào sổ cả những ý lễ đã nhận lẫn những ý lễ đã chuyển cho người khác, cũng như phải ghi bổng lễ nữa.
(4) Mỗi linh mục phải ghi cẩn thận những ý lễ đã nhận sẽ làm và những ý lễ đã làm xong.

Ðiều 956: Tất cả và mỗi người quản trị các thiện ý hay có trách nhiệm nào đó về việc lo dâng lễ, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều buộc phải chuyển về Bản Quyền của mình những ý lễ không làm hết trong một năm, theo cách thế Bản Quyền đã ấn định.

Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ.

Ðiều 958: (1) Cha Sở cũng như vị quản đốc nhà thờ hay cơ sở đạo đức khác, nơi quen nhận các bổng lễ, phải có cuốn sổ riêng, ghi chép cẩn thận số lễ phải làm, ý lễ, bổng lễ và nghĩa vụ đã chu toàn.
(2) Bản Quyền có bổn phận đích thân hay nhờ người khác, kiểm soát hằng năm các sổ sách đó.


Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :