Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô

Lúc gần 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 25-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, 80 Hồng Y, GM, 280 chức sắc và LM.


VATICAN. Lúc gần 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 25-3-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, 80 Hồng Y, GM, 280 chức sắc và LM.

 
 Bài giảng của Cha Cantalamessa
 Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng từ hơn 35 năm nay, đã diễn giảng về chủ đề ”Anh chị em hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa”, một câu trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto. Cha nhận xét rằng: ”Lời mời gọi này không nói về sự hòa giải lịch sử trên thập giá, hoặc hòa giải trong bí tích, nhưng là sự hòa giải hiện sinh và bản thân cần thực hiện trong hiện tại. Lời mời này được gửi đến các tín hữu Kitô thành Corinto và đến chúng ta ngày nay. Và thời điểm thuận tiện hiện nay đối với chúng ta là Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang sống.”
 Vị Giảng thuyết đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan giữa lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa: misericordia và giustizia. Sự công chính ở đây không hiểu theo nghĩa công lý, thưởng phạt mỗi người, nhưng như thánh Augustino đã dạy: ”Giustizia, sự công chính của Thiên Chúa là điều nhờ đó, với ân sủng của Ngài, chúng ta trở nên công chính, giống như ”ơn cứu độ của Chúa” (Tv 3,9) là điều qua đó Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Nói khác đi, sự công chính của Thiên Chúa là hành vi qua đó Thiên Chúa làm cho những người tin nơi Chúa Con được trở nên công chính, làm đẹp lòng Ngài. Đây không phải là thi hành công lý, nhưng là làm cho trở nên công chính”.
 Cha Cantalamessa đã nhắc đến sự khám phá của Luther về điểm này và trước đó chính thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Tito: ”Khi lòng từ nhân của Thiên Chúa và tình thương của Ngài đối với loài người được tỏ hiện, Ngài đã cứu vớt chúng ta không phải nhờ những việc làm công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng thương xót của Chúa (Tt 3,4-5). “Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vì tình yêu cao cả mà Ngài đã thương chúng ta, trước kia chúng ta đã chết vì tội lỗi, Chúa đã làm cho chúng ta được hồi sinh với Đức Kitô, nhờ ơn thánh anh chị em đã được cứu rỗi” (Ep 2,4).
 Cha Cantalamessa khẳng định rằng đối nghịch với lòng thương xót không phải là sự công chính, giustizia, nhưng là sự báo thù. Thiên Chúa không từ bỏ sự công chính, nhưng từ bỏ sự báo thù; Ngài không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ hoán cải và được sống (Xc Ez 18,23). Chúa Giêsu trên thánh giá đã không xin Chúa Cha báo thù cho Ngài”.
 Vị giảng thuyết cũng nói rằng: ”Sự oán thù và tàn bạo của các vụ khủng bố tuần này ở Bruxelles giúp chúng ta hiểu sức mạnh của Chúa chứa đựng trong những lời cuối cùng của Chúa Kitô: ”Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Dù sự oán ghét của con người có thể đẩy xa tới đâu đi nữa, tình thương của Thiên Chúa đã và sẽ luôn mạnh hơn. Trong những hoàn cảnh hiện nay, lời nhắn nhủ của thánh Phaolô được gửi đến chúng ta: 'Anh em đừng để sự ác chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện” (Rm 12,21).
 Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. Sau cùng 120 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. (SD 25-3-2016)
 G. Trần Đức Anh OP
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :