Linh mục người Mỹ chữa bệnh cho 'quốc gia Triều Tiên'

Chữa bệnh cho 'vương quốc cô độc'


Các bệnh nhân lao Bắc Hàn nhận sự giúp đỡ từ linh mục dòng Maryknoll

 
Ít nhất hai lần một năm trong suốt 20 năm qua, linh mục người Mỹ Jerry Hammond đi từ nhà ngài ở Seoul băng qua khu vực phi quân sự hoang vắng lạnh lẽo để đến vương quốc cô độc Bắc Hàn.

Thông thạo tiếng Triều Tiên, linh mục dòng Maryknoll 82 tuổi đầy tràn sức sống đã sống ở Hàn Quốc từ năm 1960. Ngài là thành viên của một nhóm thân thiết bỏ ra ba tuần mỗi lần đi đến thăm quốc gia nghèo đói này để trợ cấp y tế đang rất cần để chữa căn bệnh đã không còn tồn tại ở nhiều vùng của thế giới phát triển là bệnh lao.

Ở hầu hết người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh lao nhưng căn bệnh này phổ biến ở những nơi người dân có hệ miễn dịch kém do suy dinh dưỡng, bệnh tật và lây lan khi người ta sống trong điều kiện đông người.

Như thế, bệnh lao đang hoành hành đáng báo động ở quốc gia Cộng sản này. Tỉ lệ lây nhiễm kinh khủng là 442 bệnh nhân trên 100.000 dân. Con số này sánh với các quốc gia khác có bệnh lao “là gánh nặng lớn” mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) miêu tả. Tại Myanmar, tỉ lệ này là 53 trên 100.000 dân, trong khi tại Cambodia tỉ lệ này là 51 trên 100.000 dân. Hai quốc gia này nằm trong số những nước nghèo nhất châu Á sau Bắc Hàn.

Bệnh lao quá phổ biến ở Bắc Hàn đến nỗi nó bắt đầu có biến thể và trở nên kháng với các loại thuốc chống lao truyền thống. Một biến thể mới được biết là lao kháng đa thuốc – hay siêu lao – vừa xuất hiện.

Cha Hammond bắt đầu thăm Bắc Hàn sau khi chính quyền miễn cưỡng cho phép các nhóm cứu trợ nước ngoài đến khi nạn đói kém đeo bám vùng đất nay sau cuộc tàn phá của hạn hán năm 1994 kéo dài bốn năm và hoàn toàn hủy diệt quốc gia này.

“Các chuyến đi lần đầu của tôi chỉ tập trung vào phân phát lương thực” – ngài nói với ucanews khi uống café tại trụ sở Maryknoll Hàn Quốc ở trung tâm Seoul.

“Sau đó các chuyến đi của tôi mang sứ mạng y tế và ngày nay tôi đem thuốc men cho bệnh nhân bị lao kháng đa thuốc”.

“Chúng tôi ước tính hiện nay có ít nhất 100.000 người mắc bệnh lao ở Bắc Hàn – cha Hammond nói – Và trên 20 năm qua chúng tôi đã chữa trị cho khoảng từ 250.000 tới 300.000 người”. Năm 2014 khoảng 5.000 người Bắc Hàn chết vì lao, theo báo cáo của WHO.

Cha Hammond tự hào ra mặt bởi tỉ lệ thành công của nhóm này trong việc chữa trị cho bệnh nhân lao là khoảng 70 phần trăm, một con số cao hơn đáng kể so với tỉ lệ chữa khỏi bệnh của thế giới là 48 phần trăm. Ngài nói đây là lý do chính tại sao nhà chức trách Bắc Hàn tiếp tục để cho nhóm của ngài đi vào bên trong quốc gia này để chữa bệnh cho công dân của họ.

Đó là một công việc đòi hỏi nhiều sự cẩn trọng. Cha Hammond đi tới Bắc Hàn cùng với các nhân viên của Eugene Bell Foundation, một tổ chức nhân đạo có trụ sở ở Mỹ được đặt theo tên của nhà truyền giáo thuộc Giáo hội Trưởng lão đã đến Triều Tiên cuối thế kỷ 19.

Nhóm này phải mang theo máy móc y khoa phức tạp để có thể phân tích nước bọt tại chỗ, sử dụng kỹ thuật được chính phủ Mỹ cấp phép xuất khẩu để hướng dẫn các nhân viên y tế về lây nhiễm và liều lượng thuốc sử dụng.

Cha Hammond miêu tả công việc của ngài tại quốc gia này như một “kinh nghiệm tâm linh”.

“Khi anh nghe cơn ho của một bệnh nhân lao yếu ớt và sợ sệt – cha Hammond nói – Đừng nói lời nào. Anh hãy cho bệnh nhân một tách nước và anh lấy mẫu nước bọt, đây là công đoạn dễ lây nhiễm nhất”.

Để vận hành máy móc và điều trị cho bệnh nhân, họ cần bỏ ra tám giờ mỗi nơi trong số hàng chục nơi họ đến trong các chuyến đi kéo dài ba tuần lễ mỗi lần.

Nhưng mặc dù chỉ có 20 năm và thực hiện 51 chuyến đi kể từ khi ngài bắt đầu đến thăm quốc gia độc tài bị cô lập này, cha Hammond còn có nhiều thập niên kinh nghiệm làm việc với người dân ở miền Bắc. Sau khi đặt chân đến Seoul năm 1960, cha Hammond chuyển tới vùng quê để làm việc với người tị nạn Bắc Hàn – cũng như những người chẳng còn có gì cả ở miền Nam – để giúp xây dựng lại các cộng đồng ở nông thôn sử dụng hệ thống hỗ trợ dựa trên các hội đoàn tín dụng cộng đồng.

Chính ở miền Bắc là nơi căn tính mục vụ đích thực của các Cha và Thầy dòng Maryknoll cắm rễ. Thủ đô Bình Nhưỡng là điểm nhấn cho các thừa sai Kitô giáo được biết đến như là Jerusalem của phương Đông. Dòng Maryknoll đã lập cơ sở truyền giáo ở Pyongyang năm 1923 và tồn tại cho tới khi bắt đầu Cuộc chiến Triều Tiên.

“Có một động lực nữa cho các chuyến đi của tôi – cha Hammond nói – là để kính trọng các thánh tử vì đạo Công giáo kể cả Đức Giám mục dòng Maryknoll Patrick Byrne bị giết chết năm 1950 khi bị cộng sản Bắc Hàn cầm tù”.

Ngày nay, cha Hammond cho biết, rất khó để biết chính xác có bao nhiêu Kitô hữu còn lại ở Bắc Hàn sau gần 70 năm bị cô lập khỏi thế giới. Các linh mục, thầy tu và nữ tu tất cả đã bị chính quyền Cộng sản tống giam mặc dù vợ của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il là một nữ phó tế Trưởng Lão. Hàng chục ngàn người được tin là đã bị sát hại.

Đảng Cộng sản Triều Tiên điều hành Hội Công giáo Bắc Hàn nhưng không có liên hệ gì với Rôma.
Có số liệu chính thức về 3.000 giáo dân ở nước này nhưng đây thực sự là một trò chơi đoán mò vì các chuyên gia khác trích dẫn con số này chỉ chừng 800 người.

“Tôi thực sự không nghĩ rằng có nhiều người như thế đâu sau những năm tháng dài đó” – ngài nói.

Nhưng đối với ngài, đi sang Bắc Hàn và cung cấp thuốc men chữa bệnh cứu người là cách “làm chứng”, ngài nói.
 
UCAN
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :