Vị linh mục già trên rẻo cao - Nguyễn Vân Đông

Gắn bó gần như cả cuộc đời với vùng đất Tây Nguyên, nay dù tuổi đã ngoài bảy mươi, vị linh mục già ấy vẫn rong ruổi đến từng buôn làng qua nhiều hoạt động bác ái xã hội với mong muốn đem tình thương và niềm vui đến với người dân tộc nghèo. Không ít lần chân, lưng, vai… đau mỏi “biểu tình” vì phải đi nhiều, nói nhiều với tần suất dày hơn trước nhưng rồi sau cái chép miệng “mệt chết đi được”- cha lại khăn gói lên đường…



Gắn bó gần như cả cuộc đời với vùng đất Tây Nguyên, nay dù tuổi đã ngoài bảy mươi, vị linh mục già ấy vẫn rong ruổi đến từng buôn làng qua nhiều hoạt động bác ái xã hội với mong muốn đem tình thương và niềm vui đến với người dân tộc nghèo. Không ít lần chân, lưng, vai
 đau mỏi “biểu tình” vì phải đi nhiều, nói nhiều với tần suất dày hơn trước nhưng rồi sau cái chép miệng “mệt chết đi được”- cha lại khăn gói lên đường

 
                      
Linh mục Phê-rô Nguyễn Vân Đông, Chánh xứ Thăng Thiên, Giám đốc Caritas Kon Tum

Tình thương với anh em dân tộc
 
Mỗi lần đến với những con đường đất đỏ Tây Nguyên, dù trong tháng nắng hay ngày mưa, chúng tôi cũng đều xin một cái hẹn với linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, chánh xứ Thăng Thiên, Giám đốc Caritas KonTum và nay là Tổng Đại diện giáo phận KonTum. Đến với cha Đông để nghe ngài kể chuyện của buôn làng
 
Gần như cả cuộc đời vị linh mục có ánh mắt thật hiền, thích nghe chuyện cười và hay pha trò này đều nghĩ và lo cho người dân tộc. Có lần chúng tôi hỏi cha sao chọn anh em dân tộc làm ưu tiên hàng đầu trong những hoạt động mục vụ của mình. “Bây không biết ở giáo phận này dân tộc chiếm 2/3 dân số à, không lo cho họ chẳng lẽ lo cho... tao ?”, cha Đông đáp tỉnh queo. Trong con mắt của vị linh mục đã bị “Tây Nguyên hóa”, những anh em dân tộc dễ thương, đáng quý có cuộc sống vô vàn thiệt thòi. Trong những câu chuyện cha kể, thường là đã được tài dí dỏm của cha biến hóa, thế nào cũng đọng lại ít nhiều những rung cảm của sự xúc động, đôi khi nghẹn ngào về cuộc sống của những cộng đồng nằm cách xa phố thị. Chính cái nghèo và lạc hậu khiến đôi khi chỉ một món quà nhỏ như vài viên thuốc chữa đau bụng hay được tặng dăm ba kiểu hình trong ngày cưới ở nhà thờ cũng là điều quý giá với họ.
Tổ chức chương trình khám bệnh cho bà con dân tộc
Từ cái nhìn tinh tế xuất phát từ tấm lòng rộng mở nên khi chưa thể làm những việc lớn, cha vẫn tiến hành làm những việc rất nhỏ là cho đi tất cả những gì mình có. “Tặng ai một món quà mà người nhận tỏ ý vui mừng, trân trọng, người tặng bao giờ cũng cảm thấy vui trong lòng nên mỗi lần tôi có quà của người này người kia cho, tôi lại nghĩ ngay sẽ dành cho làng này, đem cho làng nọ, để dành cho trường hợp kia…”, cha Đông tâm sự. Việc bác ái cũng từ đấy mà nảy lộc đâm chồi.
 
Có một thời kỳ cha luôn tìm cách giúp người dân tộc nghèo được mua những nhu yếu phẩm với giá rẻ bằng cách mua sỉ đem lên bán không lời cho họ, hoặc tìm cách giúp họ bán được những nông sản họ sản xuất với giá cao nhất có thể. Vậy nên có khi sân nhà thờ chứa cả tấn cá khô hay mắm ruốc để cung cấp cho người nghèo. Lúc khác lại chất đầy cả sân áo quần cũ quyên góp dành cho người nghèo bởi vùng cao nguyên có những tháng lạnh cắt da cắt thịt mà người dân tộc nghèo chẳng dám mơ tới áo ấm. Lại có lúc bếp nhà xứ nức mùi mắm ruốc xào thịt, lỉnh kỉnh chai lọ vì ông cha đứng ra mua mắm giá sỉ, bỏ thêm tiền độn thêm thịt, sả, ớt, rồi nhờ các bà khéo tay trong xứ nấu cho ngon đem bán lỗ để bữa ăn con nhà nghèo có thêm chút thịt.
Cung cấp nước sạch cho bà con dân tộc
Thỉnh thoảng, ông cha Đông “chịu chơi” đứng ra tổ chức cho trẻ nghèo, người dân tộc sống sâu trong núi, hay người cùi tắm biển. Khỏi phải nói với những đứa con nhà nghèo ở đại ngàn vui hết cỡ và nhắc đi nhắc lại hằng tháng trời bởi biển chỉ là một khái niệm chung chung hoặc mới chỉ được thấy đâu đó trên truyền hình Và những chuyến xe mang niềm vui ấy vẫn đều đặn duy trì từ những năm 2003 đến tận bây giờ Rồi còn bao món quà “nhỏ” như thế nữa cứ được trao - nhận trong niềm vui của cả hai phía. Theo thời gian, những công việc bác ái dành cho người dân tộc nghèo cứ mỗi ngày mỗi nhiều thêm bởi vì càng gần họ, cha Đông càng thấy chưa đủ
 
Con đường đã chọn
Là người gắn bó với Ban Caritas Kontum từ những ngày đầu thành lập và là người tham gia, gầy dựng nhiều chương trình bác ái xã hội trên vùng Tây Nguyên từ trước đó, cha Đông chia sẻ kim chỉ nam trong việc làm của mình: “Con đường gặp gỡ anh em lương dân và những người nghèo khổ không phân biệt tôn giáo là con đường tốt nhất để đem Tin Mừng đến cho những người chưa biết Chúa”. Trong ánh mắt vị linh mục già ánh lên niềm vui nhắc lại chuyện cũ:“Khi tôi đi làm ở làng cùi, có những làng ban đầu không một người có đạo. Tôi cũng chẳng bảo họ theo hay truyền đạo gì cả. Chúng tôi thấy cảnh rách nát nên bắt đầu làm một căn nhà cho người cùi, rồi sau làm nhiều căn khác nữa. Tuy không là bao nhiêu nhưng vẫn ấm cúng hơn cái chòi tranh cũ. Rồi chỉ cho người ta biết trồng được cây cà phê, làm cho cái bồn nước để có nước sạch… Dần dần họ tự xin theo vì người ta thấy rằng họ được yêu thương lo lắng. Họ được biết Chúa và tự nguyện theo đạo trong cách riêng của mình…”. Con đường loan báo Tin Mừng qua việc làm từ thiện được chọn là như thế.
Tổ chức chăm sóc y tế cho người bị bệnh phong
Để cho chúng tôi có cái nhìn  thực tế hơn, cha đưa chúng tôi đi qua bao con đường đất đỏ khi thắt eo lúc phình bụng gồ ghề, mù bụi vào các buôn làng hay đến các giáo điểm sâu xa, nhà trẻ dân tộc, trạm xá, giếng nước sạch Khi ghé vào một điểm có trạm nước của Caritas Kontum, một cụ bà tên H’Rup chia sẻ niềm vui sướng vì gần đây không còn phải đi xin thuốc đau bụng nữa, bà bảo: “Tôi và các con cháu trong nhà lâu rồi không bị đau cái bụng nên không còn thấy mệt trong người, làm rẫy được nhiều hơn. Cũng không phải đi xa tìm nước! ”. Trước đó, nguồn nước khan hiếm do đồi núi cao, sông - suối ít, mạch nước ngầm khô cạn là mối đe dọa tới sức khỏe vì khi thiếu nước sinh hoạt, tất cả các nhu cầu thiết yếu như tắm, giặt, rửa đều phải “tiết kiệm”, cộng thêm thói quen không chọn lọc nguồn nước đã dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh về tiêu hóa, da liễu
 
Ngoài nước sạch còn phải kể đến chương trình “thầy thuốc lưu động”. Từ một vài nhóm nhỏ thường xuyên tổ chức đi vào các làng khám bệnh, phát thuốc cho người dân tộc nghèo, cha Đông đã gầy dựng một đội ngũ đông đảo có nghiệp vụ. Hằng ngày, nhóm thầy thuốc chia nhau đi khắp các làng chữa bệnh, phát thuốc, thậm chí giúp bệnh nhân chuyển viện xa, cấp cứu khi họ cần, bất kể giờ giấc. “Hiện nay, hầu như tại mỗi huyện trong GP.Kon Tum đều có một nhóm y-bác sĩ của chương trình ngày đêm phục vụ. Ngoài việc chủ động đi khám bệnh ở một số điểm, chúng tôi còn làm phòng khám phục vụ miễn phí”, cha Đông cho biết.
Tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc 
Tại điểm khám bệnh ở Chư Sê, chúng tôi nghe những bệnh nhân như ông K’pa- don, ông Siu- blit, bé H’Blan chia sẻ về tình cảm dành cho các y bác sĩ đã đến với họ và gia đình, làng bản của họ khi khẩn cấp. Chỉ cái chân đau ông Siu-blit khoe: “Bác sĩ mang sự sống đến cho cả làng. Như mình chắc đã chết rồi vì cái chân đau không đi đứng được, con cháu mình làm nhiều cách cũng không hết đau…”. Theo cha Đông, nước sạch, thuốc men là thứ mà người dân tộc rất thiếu. Những chuyện tưởng như đơn giản như tiêu chảy, cảm sốt cũng khiến nhiều người mất mạng
 
Cha Đông còn dành sự quan tâm với trẻ nhỏ và thiếu nữ dân tộc. Cha kể, người dân tộc vốn sinh rất nhiều con nên việc mở các nhà trẻ tại làng dân tộc là rất cần thiết vì cha mẹ chúng không ngừng sinh đẻ nên đứa lớn phải giữ đứa nhỏ, không có thời gian đi học chữ. Tiến thêm một bước, cha cho các thiếu nữ dân tộc đi học trông trẻ ở các dòng tu và về phục vụ ở các nhà trẻ trong làng để có nguồn nhân lực tại chỗ và giải quyết việc làm cho một bộ phận phụ nữ. Từ đó, mối lo trẻ nhỏ không được đi học hay phải lao động quá sớm đã được giải quyết. Ngoài ra, các lớp học dành cho thiếu nữ dân tộc hằng năm vẫn mở đều đặn tại nhà Bác ái xã hội ở TP.Pleiku. Thiếu nữ lứa tuổi 16,17 trong các giáo xứ xa thành phố, các làng dân tộc được gửi cho các linh mục, nữ tu, giáo dân có chuyên môn dạy các em văn hóa xóa mù (cho các em mù chữ); học nói, nghe, đọc, viết, giao tiếp bằng tiếng Kinh; sử dụng các dụng cụ cân đo, đong, đếm; có thể đi chợ, tự chuẩn bị  bữa ăn cho gia đình với chi phí thấp; tận dụng tối đa hoa trái, rau trong vườn nhà; vệ sinh, phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và buôn làng Nhiều thiếu nữ dân tộc giờ đây đã trở nên những “hạt giống” của cộng đồng, tiếp nối tinh thần của vị mục tử vùng sơn cước.
 
Tuổi đã cao, chân chùn gối mỏi nhưng vị linh mục già vẫn tiếp tục rảo bước qua các buôn làng. Người mục tử chưa dừng bước
 
Minh Hải
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :