Trung quốc: Cuộc chiến chống treo thánh giá đã đoàn kết các tín hữu Kitô lại



Báo Công Giáo - Phanxico. Các tín hữu Công giáo và Tin Lành của tỉnh Chiết Giang đã dám chỉ trích dự luật cấm dựng lên các cây thánh giá quá cao ở những nơi thờ phượng.

Chỉ trích một dự luật nhằm hạn chế không được dựng các cây thánh giá quá cao ở những nơi thờ phượng, nhất là cấm không được treo thánh giá trên đỉnh, các nhà chức trách đạo Công Giáo và Tin Lành tỉnh Chiết Giang đã dám dùng quyền tự do tôn giáo trong một tông giọng khác giọng bình thường, thẳng thắn nói lên sự từ chối của mình trước một dự luật đang được hình thành.

Vi phạm Hiến pháp

«Dự luật có những điểm mà các nhà chức trách của Công Giáo và Tin Lành không chấp nhận được», đó là bản thông báo mà những ngày gần đây Giáo hội Chongyi đăng trên trang mạng Internet của mình. Các dự trù «can thiệp một cách quá lố vào sự tự do của Giáo hội trong việc xây dựng các tòa nhà của mình, mà việc xây dựng này ở trong khuôn khổ hợp lý, là một sự vi phạm vào điều đã được Quốc gia quy định cho các Hoạt động Tôn giáo», các nhà chức trách của Giáo hội Tin Lành ở Hàng Châu đã khẳng định như trên, cộng đoàn Hàng Châu là cộng đoàn Tin Lành quan trọng nhất của thành phố này, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Rất quyết tâm, các nhà chức trách của Tin Lành cho rằng dự luật «phạm thượng đến tín ngưỡng nền tảng của Kitô giáo» và vi phạm đến các điều khoản của Hiến pháp Cộng Hòa Nhân Dân liên hệ đến sự tôn trọng «tự do tín ngưỡng tôn giáo»; họ còn nêu chính xác dự luật này là một dự luật «kỳ thị vì chỉ nhắm đến các Giáo hội Công giáo và Tin lành với những biện pháp đặc biệt».

Văn phòng của hãng thông tấn AFP ở Trung quốc cũng đã xác nhận tin trên và dấu hiệu cho sự nhạy cảm đặc biệt đối với việc bày tỏ chính kiến này là trang mạng Internet của Giáo hội Chongyi không còn được truy cập sau khi có bản công bố trên.

Các biện pháp mới vừa được công bố vào ngày 8 tháng 5 vừa qua. Một tài liệu gồm 36 trang quy định rõ cách dựng các cây thánh giá trong các nhà thờ Kitô giáo. Từ nay các cây thánh giá chỉ được để ở mặt tiền, không được cao hơn nhà thờ hay các nóc chuông, cũng không được cao hơn một phần mười mặt tiền và màu phải cùng màu với tòa nhà. Tài liệu cũng nói rõ kích thước của hai bên thánh giá; điều khôi hài là kích thước này khác nhau cho mỗi Giáo hội, Giáo hội Công giáo là (1/0,618) và Giáo hội Tin lành là (3/2). Các điều khoản khác cũng được ấn định như nhà bếp và nhà vệ sinh ở những nơi thờ phượng này phải dùng năng lượng chính là năng lượng mặt trời hay những nguồn năng lượng tái hồi khác, một thiết kế đặc biệt đòi hỏi phải tốn nhiều tiền để xây dựng, đây là một điều bất bình thường ở một nước như nước Trung quốc.

Một giáo lý viên Công giáo ở Ôn Châu, thành phố bờ biển của tỉnh Chiết Giang, một tỉnh có nhiều người Công giáo đã cho dự luật này là «kỳ cục», «Các nhà cầm quyền nên xử lý vấn đề sương mù và ô nhiễm trước khi bắt Giáo hội phải bảo vệ môi sinh», giáo lý viên này đã tuyên bố với hãng tin Ucanews như trên, giáo lý viên này xin giữ ẩn danh.

470 cây thánh giá bị gỡ bỏ hay bị phá hủy

Theo ông Bob Fu của tổ chức China Aid, một tổ chức ở Mỹ nhằm hỗ trợ cho các tín hữu Kitô ở Trung quốc thì «dự luật này chỉ là một cách thức mới của nhà nước để  hợp pháp hóa chiến dịch hung bạo nhằm hủy hoại nhà thờ và vứt bỏ các cây thánh giá» đã được bang Chiết Giang phát động từ cuối năm 2013. Trong mười tám tháng vừa qua đã có 470 cây thánh giá thuộc cả hai Giáo hội Công giáo và Tin lành bị triệt hạ; 35 nơi thờ phượng bị san bằng.

Ngày 8 tháng 5, khi dự luật này được công khai công bố, nhà cầm quyền cho hay các Giáo hội có thời gian từ đây đến ngày 20 tháng 5 để bày tỏ ý kiến của mình. Dự luật cho rằng để «bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng», không phải chỉ nhắm vào các nơi thờ phượng Kitô giáo; nhưng còn nhắm đến các nguyện đường Hồi giáo, các chùa của Phật giáo và Lão giáo. Nhưng đương nhiên các mục quy định kích thước của thánh giá thì chỉ nhắm đặc biệt đến Kitô giáo.

Kitô giáo phát triển mạnh

Theo các nhà quan sát theo dõi chiến dịch nhằm phá hủy các thánh giá và nhà thờ ở bang Chiết Giang của nhà cầm quyền địa phương, thì lý do chỉ có thể giải thích là do họ cảm thấy bất an trước sự phát triển rất mạnh của Kitô giáo trong vùng. Ôn Châu (tỉnh có 9 triệu dân) được mệnh danh là «Giêrusalem ở Phương Đông» vì có nhiều nhà thờ Kitô giáo ở đây. Ngoài việc phá hủy các cây thánh giá và các nhà thờ còn có các vụ bắt bớ; rất nhiều người lo sợ, họ không dám nói với báo chí; còn bày tỏ quan điểm trên các trang mạng xã hội thì bị kiểm soát chặt chẽ. «Trong một buổi họp, nhà cầm quyền còn hạn chế con số các lớp giáo lý của trẻ em, các trường đào tạo thần học và việc phân phối Thánh Kinh, cũng như phòng ốc nơi có các buổi hội họp của giáo dân khác với những nơi đã quy định và có đăng ký. Chúng tôi phải xem tất cả những chuyện này sẽ đi đến đâu», mục sư Tin lành Zheng Leguo cho biết như trên.

Dù ở Ôn Châu, Hàng Châu hay bất cứ thành phố lớn nào khác thì sự hoang mang trước dự luật này rất lớn. Trong các cộng đoàn Tin lành những năm gần đây, theo nhịp phát triển của Kitô giáo cọng thêm sự phát triển kinh tế, các «ngôi nhà thờ khổng lồ» đã xuất hiện. Nơi thờ phượng của Giáo hội Chongyi ở Hàng Châu có 5 000 chỗ ngồi và tọa lạc ngay trước một trung tâm thương mại. Ở Ôn Châu, nhà thờ Liu Shi khánh thành ngày 19 tháng 2-2013 cũng có 5000 chỗ ngồi. Nếu các nhà thờ Công giáo cũng khổng lồ như vậy thì sự hoang mang đứng trước dự luật này lại càng lớn. «Đặt thánh giá trên đỉnh nhà thờ, đó là điều các nhà thờ khác trên thế giới làm. Tại sao bắt chúng tôi chỉ được để thánh giá trước mặt tiền? Đối với chúng tôi, điều này thật khó chấp nhận», một linh mục «chui» xin được ẩn danh ở Ôn châu cho biết như trên.
 
Nguyễn Tùng Lâm
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :