Đừng sợ: Năm bí quyết để vượt qua đại dịch của Thánh Piô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một vị độc giả viết cho chúng tôi rằng: “Trong những ngày này ở Sàigòn, tiếng động ồn ào nhất là tiếng còi xe cứu thương chạy suốt ngày đêm. Tôi cảm thấy bị tê liệt trong một nỗi sợ choáng ngợp đến mức không thể tập trung cầu nguyện được nữa.”

Một nhà văn Ý cũng chia sẻ cùng một kinh nghiệm tương tự khi thấy trên màn ảnh truyền hình những hàng dài xe nhà binh chở xác nối đuôi nhau. “Tôi chết điếng trong lòng, tê liệt vì khiếp sợ,” ông viết.

Ngay cả một vị Tổng Giám Mục Ấn Độ cũng có cùng một kinh nghiệm như thế. Tòa Giám Mục của ngài đối diện với một công viên. Người ta dựng một lò thiêu dã chiến trong công viên này. Mùi khét của xác người bị đốt vương trong không khí 24/24. Ngài cảm thấy lợm giọng, lúc nào cũng muốn nôn mửa. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đến, một mùi tanh nồng nặc có thể ngửi thấy khắp mọi nơi. Trong tình cảnh “tầng đầu địa ngục” như thế, có lúc ngài cũng bị tê liệt vì sợ hãi.

Tuy nhiên, tê liệt vì sợ hãi không giúp ích chúng ta. Nó làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm. Trong khi chúng ta cần có sức khoẻ tốt để đương đầu với con virus quỷ quái này, sợ hãi có nguy cơ làm tăng huyết áp, tim mạch lộn xộn. Nó cũng không giúp chúng ta phân định và đưa ra các quyết định sáng suốt cho bản thân, gia đình và cộng đoàn.

Túy Vân xin gởi đến quý vị và anh chị em một bài viết đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, của tác giả Laura Dittus, có tựa đề “These 5 Maxims from Padre Pio Will Help You Get Through Coronavirus”, nghĩa là “5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp bạn vượt qua đại dịch coronavirus”

5 câu châm ngôn này có thể được tóm tắt bằng câu nói được Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng quá lo lắng”

Tác giả Laura Dittus viết như sau:

Đầu năm nay, tôi đã tìm đọc một số sách tiếng Tây Ban Nha để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ và nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi đọc một tiểu sử truyền cảm hứng. Tôi thực không ngờ Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu cho tôi, để tôi chọn một cuốn sách nói về Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina.

Cha Thánh Piô không chỉ là một vị thánh được mang Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng còn đặc biệt hơn là ngài còn có khả năng xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc. Ngài có các đặc sủng khi giải tội và trong nhiều trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, có một điều không mấy khi được nhắc đến, nhưng có tính chất thời sự đối với chúng ta trong giai đoạn này, là ngài đã từng sống qua đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng, một đại dịch tàn khốc xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Thật là an ủi trong thời đại hiện nay khi có những vị thánh đã sống qua thời kỳ dịch bệnh này để chúng ta chạy đến nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp, đồng thời học hỏi từ những vị thánh ấy những câu nói truyền cảm hứng và những tấm gương về một cuộc sống đạo đức. Cha Thánh Piô là một trong những vị này này.

Cha Thánh Piô là một nhân vật đầy ấn tượng rồi, nhưng ngài có một mối quan hệ đặc biệt với thời điểm đại dịch này vì chính ngài đã nhiễm virus H1N1 là con virus đã gây ra đại dịch Cúm Tây Ban Nha, kéo dài từ tháng Giêng 1918 đến tháng 12, 1920, lây nhiễm 500 triệu người, tức là 1 phần 3 dân số thế giới vào thời đó, và giết chết ít nhất 17 triệu người, có các tài liệu còn cho rằng có đến 50 triệu trường hợp tử vong. Ngài đã nhiễm virus H1N1 sau khi có Năm Dấu Thánh Chúa trên người không bao lâu. Một vài vị thánh đã nhiễm virus H1N1 và đã chết vì con virus đó như hai thánh Francisco và Jacinta Marto, là hai trong ba trẻ đã được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Cha Piô bị nhiễm virus nhưng đã hồi phục và tiếp tục sống một cuộc đời linh mục đầy hoa trái và hương thơm thánh thiện sau giai đoạn đó của cuộc đời.

Sau khi tìm hiểu một chút về cuộc sống của Cha Piô, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn một chút về các tác phẩm của ngài. Khi đọc các bài viết của Cha Piô, tôi tình cờ gặp một số câu thật khôn ngoan, thật đáng khích lệ trong ánh sáng của những gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay, mặc dù tôi đã đọc những lời ấy vài tháng trước khi “social distance”, hay “khoảng cách xã hội”, trở nên một cụm từ thông dụng tại Mỹ. Một trong những trích đoạn trong những lá thư của Cha Piô mà tôi đọc lại vào tháng Hai năm nay được viết vào năm 1917 cho một trong những cô con gái tinh thần của ngài, là cô Antonietta Vona. Trong bức thư đó, ngài viết như sau:

Đừng lo sợ về bất kỳ tác hại nào trong tương lai có thể xảy ra với con trên thế giới này, bởi vì có lẽ điều đó có thể sẽ không xảy ra với con, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào nếu nó đến với con, Chúa sẽ cho con sức mạnh để chịu đựng nó… Nếu Chúa để con phải trải qua vùng nước đầy bão tố của nghịch cảnh, đừng nghi ngờ, đừng sợ hãi. Chúa luôn bên cạnh con. Hãy có can đảm và con sẽ được bình an. (Thư III, trang 833)

Đoạn văn này đưa ra cho chúng ta nhiều ủi an. Chúng ta được khuyên đừng “sợ hãi trước bất kỳ tác hại nào trong tương lai” vì nó có thể không bao giờ xảy ra. Chúng ta cũng được khuyên “hãy có can đảm”. Ở đây, ta nhớ rằng những lời mà Cha Piô viết là vào năm 1917, có thể không liên quan gì đến đại dịch sẽ xảy ra sau này ở Ý, từ 1918 đến 1919, nhưng được đưa ra trước sự kiện đó và vì thế chắc chắn đã an ủi cô con gái tinh thần của ngài khi trận dịch xảy ra.

Trong cùng một bức thư, Cha Piô cũng đưa ra cho Antonietta một số cụm từ nhất định để in sâu vào tâm hồn cô: “Đây là điều cha cảm thấy phải nói với con hôm nay trong Chúa: Để có thể sống một cuộc đời đạo đức liên tục, con hãy ghi nhớ một số câu châm ngôn xuất sắc và mạnh mẽ này trong tâm hồn con.” (Thư III, tr. 830)

Năm câu châm ngôn mà Cha Piô dành cho cô trong bức thư này là:

“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rôma 8:28)

“Thiên Chúa là Cha chúng ta”

“Các con có thiếu thốn gì không?” (Luca 22:35)

“Đời đời”

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gal 6:14)

Những câu châm ngôn này tốt cho bất kỳ dịp nào, nhưng ta có thể thấy giá trị đặc biệt của những châm ngôn ấy khi phải sống trong tình huống đại dịch này. Sự thật rằng “Thiên Chúa là Cha chúng ta” mang lại niềm an ủi rằng chúng ta luôn ở dưới sự chăm sóc quan phòng của Ngài, được yêu thương và bảo vệ, và rằng, ngay cả nếu chúng ta phải kinh qua những tình huống khó khăn, Chúa luôn ở với chúng ta.

Tôi thấy các châm ngôn trên thật là hữu ích vào thời điểm này, thêm vào đó tôi cũng muốn nhắc đến một cụm từ thường được Cha Piô lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng, và đừng quá lo lắng.” Những lời này có thể đóng vai trò như một phương châm nổi bật cho thời gian này, và thật sự đối với bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn được kêu gọi để cầu nguyện, để tin tưởng vào Chúa, và đừng đầu hàng trước những lo lắng của chúng tôi.

Xin Cha Piô cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và cho chúng ta nhận ra đang được sống khoảnh khắc hiện tại trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có thể nghe vang vọng những lời này của ngài – “Quá khứ của con, lạy Chúa, xin dâng lên lòng thương xót Chúa; hiện tại của con, xin phó dâng cho tình yêu Chúa; và tương lai con, xin tín thác nơi sự quan phòng của Người” – và hãy lấy những lời này làm những lời cầu nguyện của chúng ta, và phó thác cho sự bảo vệ của Cha chúng ta ở trên trời, cùng với sự cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa.

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

The post Đừng sợ: Năm bí quyết để vượt qua đại dịch của Thánh Piô appeared first on Tin tức Công Giáo tổng hợp mới nhất về Giáo Hội Việt Nam.


br /> Xem chi tiết bài viếtĐừng sợ: Năm bí quyết để vượt qua đại dịch của Thánh Piô
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

No comments :